Nhật Bản đổi niên hiệu mới cho triều đại mới khi tân Nhật Hoàng Nahurito đăng cơ ngày 1-5

Ngày 1-4, tại Văn phòng thủ tướng Nhật Bản (Tokyo) Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga đã giơ cao tấm biển đề hai chữ Reiwa – Lệnh Hoà (令和). Đây sẽ là niên hiệu triều đại mới kể từ ngày 1-5 khi hoàng Thái tử Naruhito đăng quang, chính thức lên ngôi, trở thành Thiên hoàng thứ 126 của Nhật Bản.
Ảnh Thái tử Naruhito cùng công nương Masako

Theo thông tin trước đó, Nhật hoàng Akihito sẽ thoái vị, nhường ngôi vào ngày 30-4 tới, như vậy thời kỳ mang tên niên hiệu Bình Thành ( 平成) của ông cũng sẽ chấm dứt vào ngày này.

Tại Nhật Bản, cách tính thời gian theo năm trị vì của nhà vua tồn tại song song với tây lịch. Chẳng hạn năm 2019 sẽ là năm Bình Thành thứ 31 (tính từ lúc Nhật hoàng Akihito lên ngôi năm 1989) cho đến hết ngày 30-4.

Ngày 1-5 hôm sau trở đi cho đến hết năm 2019 sẽ là năm “Lệnh Hoà nguyên niên” (令和元年).

Được biết, cái tên của niên hiệu mới là một trong những thay đổi lớn nhất, cả trong thực tế và trong tâm lý, đối với Nhật Bản. Nguyên nhân là do cái tên Lệnh Hòa được cho là bắt nguồn từ Manoyoshu, tuyển tập thơ ca lâu đời nhất của Nhật Bản với lịch sử hơn 1.200 năm. Được biết, đây là niên hiệu đầu tiên được bắt nguồn từ văn học Nhật Bản chứ không phải Trung Quốc.

Thủ tướng Shinzo Abe đi qua tấm bảng ghi niên hiệu mới Lệnh Hòa. (Ảnh Internet)

“Chúng tôi rất tự hào về lịch sử, văn hóa và truyền thống của đất nước. Chúng tôi muốn niên hiệu phản ánh tương lai của Nhật Bản và cảm thấy rằng đây là cái tên phù hợp nhất. Lệnh Hòa được tạo ra để ủng hộ cho tinh thần thống nhất của người dân” – Thủ tướng Shinzo Abe bày tỏ. Được biết, văn phòng nội các đã chọn tên Lệnh Hòa từ danh sách do các chuyên gia văn học – lịch sử Trung Quốc và Nhật Bản đề xuất.

Nhật hoàng trước đó đã thông báo ý định thoái vị vào năm 2016 vì lo ngại sẽ không đảm đương nhiều nhiệm vụ do tuổi cao. Ông sẽ là hoàng đế đầu tiên của Nhật thoái vị khi còn sống.
[VIDEO] Nhật hoàng Akihito chính thức thoái vị năm 2019:

Hiện Nhật Bản vẫn giữ truyền thống quân chủ Á Đông là các vị vua sẽ chọn cho mình niên hiệu trong thời gian giữ ngôi để thể hiện ý chí, mục tiêu hoặc đánh dấu một sự kiện nào đó.

Một vị quân chủ có thể có một hoặc nhiều niên hiệu và đến nay, Nhật có gần 250 niên hiệu kể từ khi áp dụng hệ thống này vào thế kỷ thứ 7.

Chẳng hạn, sau khi lên ngôi, Nhật hoàng Akihito chọn niên hiệu Heisei (Bình Thành), hàm ý nhấn mạnh ước muốn hòa bình, không lặp lại những sai lầm trong quá khứ. Năm 2018 được tính là năm Heisei thứ 30, tức năm trị vì thứ 30 của Nhật hoàng Akihito.

[VIDEO] Nhật hoàng Akihito thăm Việt Nam:

Cách tính năm theo niên hiệu được dùng trên các văn bản chính thức của chính phủ, báo chí và lịch bán trên thị trường. Ngay cả trong đời sống hằng ngày, người Nhật cũng có thói quen sử dụng cách này khi nói chuyện về năm.

Vì thế, việc thay đổi niên hiệu là chuyện trọng đại không chỉ đối với hoàng gia mà sẽ ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Quá trình lựa chọn cũng rất phức tạp với nhiều quy định nghiêm ngặt. Kanji (Hán tự) của niên hiệu mới sẽ không được bắt đầu bằng những nét của chữ đã được dùng trong 4 thời kỳ liền trước là Meiji (Minh Trị), Taisho (Đại Chính), Showa (Chiêu Hòa) và Heisei, đồng thời cũng không dùng lại các tên từng được đề cử nhưng không được chọn.